Xem thêm :
Thác Voi – Chùa Linh Ẩn
Vị trí: Thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, cách thành phố Đà Lạt 25km về hướng Tây Nam.
Thác Liêng Rơwoa hay còn gọi là Thác Voi là di tích thắng cảnh quốc gia. Thác Voi là một trong những thác nước đẹp của Tây Nguyên hùng vĩ với chiều cao hơn 30m, rộng chừng 15m. Phía sau dòng thác trắng xóa là những hang động sâu hun hút đầy bí ẩn như hang Dơi, hang Gió…
Tượng Phật cười ở chùa Linh Ẩn
Chùa Linh Ẩn do Thượng Tọa Thích Tâm Vị sáng lập năm 1993, diện tích 4ha. Trong khuôn viên chùa thờ rất nhiều tượng Phật kích thước lớn và được trạm trổ công phu. Chùa Linh Ẩn không chỉ là địa danh linh thiêng của các Phật tử mà còn là điểm đến được rất nhiều du khách yêu mến.
Hồ Xuân Hương
Vị trí: Trung tâm thành phố Đà Lạt
Hồ Xuân Hương có hình mảnh trăng lưỡi liềm, là hồ đẹp nhất nằm ở trung tâm thành phố Ðà Lạt. Sáng sớm, và hoàng hôn là thời điểm Hồ Xuân Hương đẹp nhất. Ven hồ, gió nhẹ nhàng và không gian thoáng đãng. Nhiều đôi tình nhân thích dạo mát tâm tình quanh hồ; nhóm Bạn bè, gia đình cũng thích đến hồ Xuân Hương để tìm cảm giác thư giãn, thoải mái hay thay đổi không khí với trò chơi đạp vịt, đi xuồng máy hay chèo thuyền cao su trên hồ.
Thung lũng Tình yêu
Vị trí: Cách trung tâm thành phố khoảng 6km về hướng Đông Bắc.
Thung lũng Tình yêu là địa danh thơ mộng và trữ tình nhất của Đà Lạt. Thắng cảnh này đẹp và cuốn hút bởi lũng sâu và đồi thông xanh mướt. Du khách có thể men theo những lối mòn hoặc leo cả trăm bậc, đi qua những cổng hoa với màu sắc rực rỡ để lên đồi Vọng Cảnh. Từ đây, Thung lũng Tình Yêu hiện ra trong tầm mắt đẹp tựa một bức tranh sinh động và hữu tình.
Hồ Tuyền Lâm
Vị trí: Cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5Km về phía Nam, trên đoạn đường đèo Prenn.
Hồ Tuyền Lâm có diện tích 320 ha, được tạo bởi dòng sông Tía, ở độ cao 1000 mét so với mực nước biển. Tham quan hồ Tuyền Lâm du khách sẽ được lãng du, để mặc cho tâm hồn bay bổng trong không khí tinh khiết của đất trời. Mạo hiểm một chút, du khách có thể thử cưỡi voi, chạy ca nô trên mặt hồ, hay đi cáp treo để khám phá núi non hùng vĩ nơi đây.
Hồ Suối Vàng
Vị trí: Cách trung tâm Đà Lạt theo hướng bắc đi Lạc Dương, đến km 7 Tùng Lâm rẽ trái, du khách còn phải vượt qua đoạn đường dài khoảng 12km sẽ đến hồ Suối Vàng
100 năm trước đây khi lần đầu tiên đặt chân đến hồ Suối Vàng, Yersin đã chạy nhảy reo hò như một cậu học trò nhỏ, ngẩn ngơ trước cảnh sắc thơ mộng kỳ ảo của thiên nhiên còn nguyên vẹn nét hoang sơ ở nơi đây.
Hồ Than Thở
Là một hồ nước tự nhiên thuộc thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và cũng là một địa điểm du lịch của thành phố này. Tạp chí Indochine (Đông Dương) số 28 ra ngày 13 tháng 3 năm 1941 chọn ảnh hồ Than Thở làm ảnh bìa. Trước đây vùng hồ Than Thở có một cái ao gọi là Tơnô Pang Đòng. Vào năm 1917, người Pháp đắp đập xây dựng hồ chứa nước cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt.
Người Pháp đặt tên hồ là Lac des Soupirs với nghĩa thứ hai (tiếng rì rào), nhưng khi dịch sang tiếng Việt lại dịch theo nghĩa thứ nhất: hồ Than Thở.
Thiền viện Trúc Lâm
Vị trí: Cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5 km, nằm trên núi Phụng Hoàng, phía trên Hồ Tuyền Lâm.
Đây không chỉ là thiền viện lớn nhất Lâm Đồng mà còn là điểm tham quan hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Đến Thiền Viện Trúc Lâm, du khách sẽ được tắm mình trong không khí thanh tịnh nơi chốn Thiền môn, du khách có thể dạo quanh chùa để chiêm nghiệm lẽ mất còn, được mất.
Thác Prenn
Vị Trí: Thác Prenn nằm ở chân đèo Prenn cách trung tâm Đà Lạt khoảng 10 km, nằm ven quốc lộ 20.
Mang một vẻ êm dịu, duyên dáng như một màn nước đổ nhè nhẹ từ độ cao 10 m xuống một hồ nước nhỏ, xung quanh đầy hoa lá và một đồi thông vi vu.
Để vào thác, du khách phải qua một chiếc cầu ngắn bắc ngang dòng suối đã được kè chắn bằng bêtông nhằm tránh bị xói lở. Con đường xuống thác thật đẹp với những bậc đá ôm theo sườn đồi được bố trí một cách hợp lý; Du khách sẽ nhìn thấy một bức màn nước buông mình từ độ cao gần 10m xuống thung lũng nhỏ đã được chỉnh sửa thành vườn hoa mà từ đây có nhiều lối đẹp đưa chân lên các đồi thông thoáng đãng chung quanh.
Thác Cam Ly
Thác Cam Ly là thác gần trung tâm thành phố Đà Lạt nhất, chỉ cách khu Hòa Bình 2,3 km về phía Đông - Nam, ở gần nhà số 68 đường Hoàng Văn Thụ. Lộ trình đến thác Cam Ly: Khu Hòa Bình - Đường 3 tháng 2 - Hoàng Văn Thụ.
Thác không đẹp và thường ít nước vào mùa khô nhưng nhờ vị trí gần trung tâm thành phố nên du khách thường ghé thăm. Một chiếc cầu bắc ngang qua suối Cam Ly phía trên thác giúp du khách đi từ bên này sang bên kia dòng suối. Dưới chân thác là một vườn hoa nhỏ. Phong cảnh chung quanh thác không còn hoang vu như ngày xưa.
Thác Cam Ly do Công ty dịch vụ du lịch Đà Lạt quản lý và khai thác, với tổng diện tích sử dụng là 16,5 ha.
Người Lạch gọi thác Cam Ly là Liêng Tô Sra, về sau đổi thành thác Cam Ly mang tên đoạn suối chảy từ Liêng Tô Sra đến sông Đạ Đờng.
Thác Datanla
Thác Đa Tăng La (Datanla) ở ven quốc lộ 20 gần đèo Prenn, cách Đà Lạt gần 5 km. Nằm trong khu rừng dự trữ nên Đa Tăng La còn có vẻ đẹp hoang dã. Nước đổ mạnh trên những tảng đá nhiều tầng chồng chất giữa hai triền dốc tạo thành nhiều thác liên tiếp, có chỗ nước chảy giữa khe nứt tạo thành hố sâu gọi là “Vực tử thần”.
Du khách muốn xuống tham quan thác phải đi bộ theo một trong hai con đường dốc quanh co với trên 200 bậc cấp.
Phía dưới thác Đa Tăng La là một chuỗi thác khác, hùng vĩ nhất là thác Đoong Nham, đường khó đi.
Đa Tăng La là biến âm của tên dòng suối Đa Pơrla, người Lạch gọi thác Đa Tăng La là Liêng Đu Rpu Kwăng (con trâu đực té) vì theo truyền thuyết, ngày xưa có một con trâu đực té xuống thác này.
Thác Pongour
Nằm trên địa bàn xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, cách Đà Lạt 45km, cách đường quốc lộ 20 khoảng 7 km. Thác thuộc loại đẹp, hùng vĩ nhất Tây Nguyên với chiều cao hơn 20m, bề mặt thác dài hàng trăm mét và một thềm thác rộng hàng chục ha có thể tổ chức vui chơi cho hàng ngàn người một lúc. Các nhà du lịch đã không ngần đặt cho Pongour biệt hiệu “Nam Phương đệ nhất thác”.
Theo truyền thuyết của đồng bào dân tộc thì thác gắn liền với câu chuyện về nàng Ka Nai - một Tù trưởng xinh đẹp đã có công xây dựng nên cuộc sông thịnh vượng của đồng bào K’ho. Tương truyền Ka Nai có 4 con tê giác và Ponguor là dấu vết các con tê giác cắm sừng xuống đất.
Từ nhiều năm nay, Ponguor có ngày hội thác vào rằm tháng giêng hàng năm và ngay này đã trở thành một ngày vui chơi xuân của thanh niên Đà Lạt - Lâm Đồng với nhiều trò chơi dân gian, các nghi lễ văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa. Thác hiện do công ty TNHH Đất Nam (thành phố Hồ Chí Minh) quản lý và khai thác.
Thác Hang Cọp
Vài năm trở lại đây, du khách đến du lịch Đà Lạt có nghe nói đến thác Hang Cọp, một thắng cảnh mới khai thác ở vùng Trại Mát thuộc phường 11, thành phố Đà Lạt. Nhưng đi đến thác để tận mắt ngắm nhìn cảnh đẹp này thì còn ít người đi tới được bởi đường đến thác tuy không xa nhưng lại khó đi.
Từ trung tâm thành phố Đà Lạt đi về phía Trại Mát theo quốc lộ 20 (quốc lộ 11 cũ) đến nhà thờ Trại Mát, khoảng non 10 cây số, có một ngã rẽ đi vào một con đường đất ở phía tay trái, đó là đường vào thác Hang Cọp.
Qua hơn 5 km đường đất quanh co dưới tán rừng thông, qua những con dốc xuôi thoai thoải chằng chịt rễ cây, khách đã nghe tiếng thác chảy réo rắt từ xa xa. Không gian ở đây rất im vắng, không bị khuấy động bởi tiếng ồn ào của phố thị. Nắng vàng xuyên qua lá thông chiếu xuống một thứ ánh sáng làm mát dịu con đường đi.
Sau khi lội qua một con suối nhỏ nước chảy trong veo là đã đến đầu ngọn thác. Từ đó, theo một bậc cấp bằng xi măng đi xuống vực sâu, hai bên cây lá chen chúc dày đặc. Đến chân thác, hơi nước tỏa mù như sương, khí đá bốc ra lạnh ngắt và ẩm ướt. Từ chân thác ngước mắt nhìn lên: một cột nước trắng xóa từ núi đá cao đổ xuống, dội ầm ì vào một hố nước sâu rồi thoát đi theo một dòng suối ngoằn ngoèo qua các tảng đá lớn và lặng lờ chìm lẫn vào rừng cây rậm rạp.
Thác cao ước khoảng 25m, rộng hơn 10m. Đến mùa mưa, nước nhiều, dòng thác trải rộng khoảng hơn 5m, mùa nắng thì dòng thác hẹp hơn nhưng vẫn đổ xuống với tốc độ rất nhanh và mạnh tạo thành những mảng bọt trắng xóa tràn lên các tảng đá hoa cương lớn nằm dưới chân thác. Cảnh vật quanh thác còn hoang sơ: rừng thông ở trên đồi cao thẳng đứng dưới bầu trời xanh trong, ở dưới lũng sâu là nhiều loại cây tạp, cây lá rộng khác chen chúc rậm rạp, cành lá đan xen mà ánh nắng mặt trời không chiếu xuyên qua được. Nếu như không có những bậc cấp bằng xi măng dẫn xuống thác thì đứng ở đây khách sẽ ngỡ như đứng giữa khoảng rừng núi âm u chưa có dấu chân người.
Dinh Bảo Đại
Vị trí: Trên đường Triệu Việt Vương, cách trung tâm Đà Lạt 2,5 km về phía Nam.
Dinh Bảo Đại hay còn gọi là dinh III được đánh giá là dinh thự đẹp đẽ và trang nhã nằm trên ngọn đồi cao 1539m, gắn liền với các tiểu cảnh kiến trúc công viên, vườn Thượng Uyển, rừng Ái Ân và một hồ nước nhỏ hòa quyện vào nhau một cách rất hợp lý và thơ mộng. Dinh III cũng là một công trình đồ sộ mang giá trị cao về kiến trúc.
Núi Lang Biang
Vị trí: Cách trung tâm Đà Lạt 12 km về phía Bắc.
Từ dưới chân núi, Lang Biang có đầy đủ các dịch vụ du lịch: như nhà hàng, quán ăn, hang lưu niệm, xe Jeep đưa đón du khách lên núi. Trên đỉnh núi, trong không khí se lạnh của hoàng hôn sơn cước, bạn sẽ phải lặng người trước vẻ đẹp của những dãy núi nhấp nhô, những buôn làng, dòng suối nối tiếp nhau ở phía xa xa. Du khách có thú phiêu lưu mạo hiểm cũng tìm đến đây để thử leo núi, chinh phục đỉnh cao núi Lang Biang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét